Vận động chính sách vì quyền của phụ nữ thông qua những giải pháp sáng tạo và hợp tác
Chị Nguyễn Thị Phương Nhung là chuyên viên cấp cao của Ban Gia đình – Xã hội thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Trong quá trình 17 năm công tác tại Hội, có tới trên 10 năm chị tham gia vào nhiều hoạt động hợp tác giữa Hội và tổ chức Đông Tây Hội ngộ. Quan hệ hợp tác giữa Hội và Đông Tây Hội ngộ bắt đầu từ dự án thí điểm tại các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và Bến Tre thuộc đồng bằng sông Cửu Long năm 2010. Dự án này nhằm cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng nước sạch và vệ sinh cho phụ nữ.
Nhờ vào thành công của dự án thí điểm này, dự án Cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả đầu ra (CHOBA 1) do quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ đã chính thức khởi động vào năm 2012 với mục tiêu hỗ trợ 125,000 hộ nghèo và cận nghèo tiếp cận và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong vòng 5 năm, từ 2012 – 2016, thông qua dự án CHOBA 1, tổ chức Đông Tây Hội ngộ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã không chỉ giúp các hộ thuộc dự án mà còn hỗ trợ các hộ không nghèo nằm ngoài dự án tại 10 tỉnh trên cả nước xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Dự án này đã được tiếp nối bằng dự án CHOBA 2 và dự án Cải thiện vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ. Chị Nhung cho biết chị cảm thấy rất may mắn vì được tham gia và đóng góp cho những dự án này.
Hỗ trợ dựa trên kết quả đầu ra (OBA) là một phương pháp tiếp cận tiên tiến, đã chứng tỏ được hiệu quả trong việc huy động và tận dụng các nguồn lực của tất cả các bên tham gia. Tuy nhiên, khi mới được giới thiệu với các đối tác dự án, đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương và cơ sở, phương pháp chưa được hiểu thấu đáo và đón nhận tích cực vì tính chất phức tạp và những yêu cầu khắt khe của nó. Do đó, việcthuyết phục các bên tham gia dự án cũng như đối tác của Đông Tây Hội ngộ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về những yếu tố thuận lợi và lợi ích tiềm năng của OBA đòi hỏi khá nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, việc áp dụng OBA và các sáng kiến đổi mới sáng tạo khác đã khuyến khích Hội nói chung và chị Nhung nói riêng luôn chủ động, tích cực trong việc vận động, điều phối các nguồn lực sẵn có cũng như sự tham gia của các bên liên quan.
Là người làm việc trong lĩnh vực bình đẳng giới, chị Nhung nhận thấy rằng để thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ, điều quan trọng là vận động chính sách và thúc đẩy thực thi quyền của phụ nữ. Nhờ kinh nghiệm và sự tham gia vào các hoạt động chung giữa Hội và Đông Tây Hội ngộ, chị hiểu rằng việc nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng nước sạch và vệ sinh cho phụ nữ là một trong những biện pháp hiệu quả để đạt được bình đẳng giới. Giảm bớt gánh nặng việc nhà mà hầu hết đều là các việc liên quan đến nước và vệ sinh đồng nghĩa với việc tăng thêm cơ hội cho phụ nữ trong việc phát triển đời sống cá nhân, công việc và xã hội.
Hướng tới mục tiêu này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tích cực tham gia vận động chính sách cấp quốc gia nhằm đạt được mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau”. Thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong nước và quốc tế cũng như các tổ chức như Đông Tây Hội ngộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã xây dựng một nền tảng bằng chứng vững chắc về các phương pháp sáng tạo, tiên tiến. Các phương pháp này đã được lồng ghép vào khung chính sách cấp quốc gia, quan trọng nhất là chính sách về nước sạch và vệ sinh cho các cộng đồng yếu thế. Hội đã chủ trì nhiều chương trình và dự án quan trọng trong đó có các chương trình cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng nước sạch và vệ sinh cho phụ nữ dân tộc thiểu số.