Chủ động hơn, sáng tạo hơn: dự án WOBA đã “trao quyền” cho cán bộ Hội Phụ nữ Hà Tĩnh như thế nào
Chị Phạm Thi Thu Hương làTrưởng ban Kinh tế – Gia đình – Xã hội HPN Hà Tĩnh, kiêm thành viên BQL dự án WOBA tỉnh Hà Tĩnh. Trong dự án WOBA, thành viên BQL dự án có nhiệm vụ chỉ đạo, giám sát các hoạt động dự án, nắm bắt tình hình thực tế tại các địa bàn dự án để tham mưu trưởng, phó ban trong việc triển khai hoạt động dự án. Như vậy, chị Hương vừa chỉ đạo vừa trực tiếp tham gia hoạt động, hỗ trợ các đơn vị cấp cơ sở. 5 năm trước chị đã tham gia dự án CHOBA 2 với vai trò là thành viên tổ giúp việc dự án. Lần này, chị đồng hành với dự án WOBA ngay từ đầu.
Nhìn lại hơn 2 năm tham gia dự án WOBA với vai trò và nhiệm vụ mới, chị Hương nhận nhận thấy thay đổi quan trọng nhất mà mình đã trải qua là sự chủ động trong công việc. Trước đây khi thực hiện dự án CHOBA, dự án cũng có những định hướng tương tự nhưng tầm nhận thức của chị chưa cao, vẫn dựa vào khung có sẵn của dự án, chỉ nhìn vào dự án, xem dự án hỗ trợ bao nhiêu thì triển khai bấy nhiêu. Đối với WOBA, chị cảm thấy mình có sự chủ động hơn hẳn, nhìn xa hơn, bao quát hơn. Cùng với các thành phần tham gia dự án (các cấp HPN, lãnh đạo chính quyền địa phương, người dân (đối tượng hưởng lợi)), chị đã chủ động lập kế hoạch triển khai các hoạt động, phối hợp với các lãnh đạo địa phương huy động, điều phối nguồn lực sẵn có tại cộng đồng để triển khai hiệu quả các hoạt động và hỗ trợ các đối tượng hưởng lợi. Vì WOBA là dự án vì cộng đồng, cho những người yếu thế, là người trực tiếp thực hiện dự án, chị cho rằng bản thân mình cũng như các cấp HPN, các cấp chính quyền phải xác định làm sao hỗ trợ tốt nhất cho các đối tượng hưởng lợi là các nhóm yếu thế, phải biết cách huy động những cái sẵn có, huy động nội lực, tự mình xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động bên cạnh sự hỗ trợ của dự án, của chính quyền địa phương.
Tham gia vào quá trình thay đổi đó phải kể đến các cấp HPN từ tỉnh đến huyện, xã, thôn (tuyên truyền viên). Về phía chính quyền, lãnh đạo UBND tỉnh và cấp cơ sở cũng rất ưu ái và quan tâm đến dự án, thể hiện rõ ở chỗ trong quá trình thực hiện dự án tỉnh rất quan tâm đến việc cấp vốn đối ứng. Trong 5 năm dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã bố trí nguồn vốn đối ứng lên đến 2,7 tỷ, với chỉ tiêu là 600 hộ GESI, 3000 hộ nghèo, cận nghèo, 200 hộ SANOBA. Chính quyền cấp huyện, xã đều nằm trong BQL dự án, phối hợp chặt chẽ, HPN tỉnh và các cấp tham mưu cho BQL dự án. Các cấp ủy và chính quyền đã có những chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc các xã dự án. Đặc biệt thành phần quan trọng là những người hưởng lợi là những hộ nghèo, cận nghèo, GESI. Ngoài ra, để xây dựng một nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ nghèo, cận nghèo, cần một số vốn tương đối lớn. Bên cạnh vốn đối ứng của tỉnh và tiền thưởng hỗ trợ của dự án, rõ ràng cần 1 nguồn lớn nữa là nguồn lực xã hội hóa, đó là các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, kể cả những đối tượng là anh em, xóm làng của người hưởng lợi. Để huy động được nguồn lực xã hội, với vai trò là trưởng ban Kinh tế – Gia đình – Xã hội HPN kiêm thành viên BQL dự án, chị Hương phải xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó cái đích hướng đến là xây nhà tiêu cho các đối tượng hưởng lợi là những nhóm yếu thế. Để các nguồn lực bên ngoài hiểu được mục tiêu, ý nghĩa của công việc này, chị phải chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bên liên quan, phải kết nối để bên ngoài nhận được thông tin, nắm được những việc cần hỗ trợ. Có rất nhiều cách cung cấp thông tin, ví dụ khi thăm hộ yếu thế chị phối hợp với các ban ngành liên quan, bên truyền thông (báo, đài), mời thêm doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các đối tượng khác nữa đi cùng để họ hiểu thêm về đối tượng (sẽ được hỗ trợ) và cách thức triển khai để có hướng hỗ trợ. Bản thân chị và các cấp HPN Hà Tĩnh đã và đang triển khai dự án theo cách như thế.
Khi tham gia dự án WOBA, được sự hỗ trợ của cán bộ dự án và tham gia các lớp tập huấn chị có thể xác định được vai trò của mình trong việc thực hiện dự án, cần làm gì, nên làm như thế nào, như vậy có tính chủ động ngay từ ban đầu. Bản thân đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo tuần, theo tháng, theo quý. Tính chủ động thể hiện trước hết trong xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nhiệm vụ và kiểm tra, giám sát, từ đó tham mưu cho BQL dự án các cấp để triển khai hoạt động dự án một cách cụ thể hơn. Chị Hương tâm niệm chị có sự chủ động thì mới có thể tham mưu cho BQL các cấp, những người hưởng lợi và cả những người xung quanh người hưởng lợi để họ có trách nhiệm không trông chờ, ỷ lại vào những nguồn lực sẵn có và bản thân chị cũng phải xem xung quanh mình có gì có thể giúp được đối tượng thụ hưởng. Một trong những minh chứng cho sự chủ động trong công việc của chị là trường hợp vận động hộ chị Hà Thị Khiêm ở xã CẩmThịnh, huyện Cẩm Xuyên. Chị Khiêm là phụ nữ đơn thân nghèo, khuyết tật 2 chân, nuôi 2 con nhỏ đang tuổi đi học. Bản thân chị đã như thế, lại không có gì để nuôi con, chưa nói đến những nhu cầu thiết yếu như công trình vệ sinh. Nếu không đi xuống tận nơi để tìm hiểu những hoàn cảnh như vậy, hiểu nỗi vất vả của họ thì chị không thể biết cách hỗ trợ được. Chị đã cùng chị em trong Hội, đồng hành với nhà báo của báo Hà Tĩnh là kênh kết nối cho Hội, đến thăm nhà chị Khiêm. Chị nhận thấy nếu các cấp HPN không tham mưu cho chính quyền địa phương để hỗ trợ cho các đối tượng này thì những người như nhà chị Khiêm không bao giờ có cuộc sống được cải thiện chứ chưa nói đến là một cuộc sống như người bình thường. Không chỉ hộ chị Khiêm mà còn một số hộ khác ở xã Thượng Lộc như bác Lương Ngọc Tám bị cụt cả 2 chân do tiểu đường lâu năm, vô cùng vất vả trong sinh hoạt hàng ngày. Chị đã cùng HPN các cấp và các thành phần liên quan đã đến tận nơi động viên, nắm bắt nhu cầu để biết cần hỗ trợ gì. Sau khi thăm hộ, HPN tỉnh, huyện đã làm việc với chính quyền địa phương. Hộ chị Khiêm là một trong 10 hộ được chọn xây dựng mô hình nhà vệ sinh tiếp cận cho người khuyết tật của dự án. Chị đã có thể ngồi xe lăn, bám theo các hạng mục tiếp cận để đi vào và sử dụng nhà vệ sinh. Chị Khiêm rất vui khi nhận được hỗ trợ của dự án và cộng đồng để có được nhà vệ sinh có các hạng mục tiếp cận cho người khuyết tật. Sau khi có nhà vệ sinh, chị Khiêm đã nhận được hỗ trợ tiếp theo của HPN và các nhà hảo tâm để sửa sang lại ngôi nhà đang ở. Mặc dù cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả, phải kiếm tiền lo cho 2 con, nhưng hiện nay chị có ngôi nhà khang trang hơn, đặc biệt là có nhà vệ sinh để sử dụng. Chị rất vui và cảm động, đặc biệt cảm ơn dự án và HPN và các bên liên quan.
Có nhiều kênh để ghi nhận sự thay đổi trong công việc của chị Hương và đồng nghiệp tại Hội Phụ nữ Hà Tĩnh. Luôn có báo chí, truyền hình đi kèm các chuyến công tác để ghi lại những thành quả, những hỗ trợ cộng đồng. Tỉnh Hà Tĩnh trong 2 năm thực hiện dự án rất chú trọng công tác tuyên truyền. Khi triển khai hoạt động nào đó, có báo chí, hình ảnh, số liệu ghi lại, câu chuyện… Sau 2 năm thực hiện hoặc khi tổng kết dự án, có thể sử dụng các tư liệu này để rút kinh nghiệm. Khi xây công trình mẫu cho người khuyết tật, xây nhà vệ sinh cho đối tượng hưởng lợi, cần có sự đóng góp, vào cuộc, kết nối của nhiều bên tham gia không chỉ dự án, ngoài cán bộ HPN các cấp còn có sự tham gia, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án không phải hoàn toàn suôn sẻ, không giống như ý mình hay theo sự chỉ đạo mà còn tùy thuộc vào thực tế địa phương. Trong 2 năm thực hiện WOBA, chị Hương nhận thấy những ai chưa tham gia giai đoạn trước (CHOBA 2) thì sẽ thấy khó khăn vì đối tượng hưởng lợi của dự án có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Trước đây đối tượng thụ hưởng chỉ là hộ nghèo, cận nghèo, vẫn còn dễ tiếp cận. Trong dự án này, đối tượng hưởng lợi là những người yếu thế nhất trong xã hội. Để hỗ trợ các đối tượng đó thì việc triển khai thực hiện còn gặp một số vấn đề khó khăn, đôi khi cảm thấy bế tắc. Trong 2 năm thực hiện, để vượt qua những giai đoạn tưởng như bế tắc này, chị đã thay đổi rất nhiều về tính chủ động và mềm dẻo hơn để cách tiếp cận và hỗ trợ của mình phù hợp với đối tượng, để người khuyết tật không còn tự ti, mở lòng với mình, chia sẻ những khó khăn với mình, chính họ cũng cố gắng để phối hợp với các ban ngành liên quan để cải thiện cuộc sống.