Cải thiện Vệ sinh & Nước sạch Dựa trên Kết quả.
Một trang web chia sẻ thông tin, tri thức và học hỏi

Cải thiện vệ sinh môi trường và tiếp cận nước sạch

Hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng yếu thế

Đông Tây Hội ngộ (East Meets West Foundation – EMWF) là một tổ chức phi chính phủ hoạt động ở Đông Nam Á và Nam Á, được thành lập năm 1988. Trong hơn 30 năm hoạt động, Tổ chức đã có nhiều đóng góp nhằm cải thiện y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường và các dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại Đông Nam Á.

Để có được những thành công trong lĩnh vực cấp nước sạch và cải thiện vệ sinh môi trường cho người nghèo tại Việt Nam, Đông Tây Hội Ngộ (ĐTHN) đã áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên kết quả đầu ra (OBA). Phương pháp này huy động nhiều nguồn lực từ chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn đến các doanh nghiệp tư nhân và nội lực tại cộng đồng nhằm tạo chuyển biến tích cực trong việc tiếp cận nước sạch – vệ sinh của những người yếu thế ở khu vực nông thôn. Nhiều dự án ĐTHN thực hiện đã áp dụng phương pháp này, trong đó có dự án “Cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả” (CHOBA 1 & 2), “Cải thiện Nước sạch và Vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả” (WASHOBA), “Quỹ sáng tạo phát triển khu vực tư nhân trong lĩnh vực cấp nước nông thôn” (PSI), “Cải thiện vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ” (WOBA).

Khảo sát hộ NKT tại Bến Tre
Khảo sát xây dựng NVS cho NKT tại Bến Tre

OBA là phương pháp giúp tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản cho người dân tại những vùng khó khăn. Do đó, OBA được áp dụng ở những địa phương nơi người nghèo không thể tiếp cận những dịch vụ cơ bản do không có khả năng chi trả toàn bộ chi phí. Với phương pháp này, đơn vị thụ hưởng chủ động đầu tư tài chính để triển khai trước các hoạt động và nhận được hỗ trợ dựa trên kết quả hoàn thành. Hỗ trợ được cung cấp căn cứ theo kết quả kiểm tra, xác nhận của một đơn vị kiểm toán độc lập. Đây là phương pháp minh bạch về tài chính, công bằng trong quá trình thực hiện, tạo ra những minh chứng cụ thể tác động đến cộng đồng người yếu thế.

Ngoài phương pháp OBA, ĐTHN còn áp dụng những mô hình, hoạt động sáng tạo nhằm giúp các cộng đồng yếu thế bao gồm hộ nghèo, người khuyết tật được tiếp cận bình đẳng với dịch vụ nước sạch – vệ sinh và tăng cường hòa nhập xã hội. ĐTHN đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông, vận động hộ gia đình, qua đó thợ xây và các cộng tác viên được tăng cường kiến thức về kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh (NTHVS) và nhà tiêu có giá thành phù hợp với các hộ nghèo. ĐTHN đã hợp tác với Trung tâm khuyết tật và phát triển (DRD), đơn vị tư vấn có kinh nghiệm làm việc với người khuyết tật, để tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, hiểu biết về người khuyết tật, trang bị cho đội ngũ cán bộ thực hiện dự án phương pháp tiếp cận phù hợp với người khuyết tật. Đồng thời, ĐTHN còn xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn về nước sạch – vệ sinh với đối tượng trọng tâm là người khuyết tật, đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng cho mọi đối tượng, không ai bị bỏ lại phía sau.

Nói đến thành công của việc áp dụng phương pháp OBA không thể không nhắc tới vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ và UBND các tỉnh, các địa phương thực hiện dự án. Với hệ thống tổ chức từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là mạng lưới cộng tác viên tại cấp cơ sở như thôn, ấp, Hội đã chỉ đạo, triển khai và giám sát thực hiện phương pháp OBA cũng như các hoạt động dự án một cách kịp thời và hiệu quả. Hội là đơn vị giàu kinh nghiệm và uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nước sạch – vệ sinh tại cộng đồng. Phương pháp OBA cũng có tác dụng thu hút, huy động sự tham gia của chính quyền địa phương. Phương pháp đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao và cam kết đối ứng của UBND để hỗ trợ các đối tượng yếu thế là hộ nghèo, cận nghèo, hộ dễ bị tổn thương được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh.

20171228 171913
CTV dự án đang cung cấp thông tin về NTHVS cho hộ dân

Trong giai đoạn 2012-2016,việc áp dụng các phương pháp sáng tạo, trong đó có OBA, và sự phối hợp linh hoạt giữa các bên tham gia đã mang lại kết quả tích cực tại 14 tỉnh, gồm Hòa Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bình Định, Bến Tre: Trên 130.000 NTHVS được xây dựng; Hơn 15.000hộ gia đình được đấu nối nước sạch tại 4 tỉnh (Thái Nguyên, Bắc Giang, Bình Định, Bến Tre, Trà Vinh); 4.000 tuyên truyền viên được trang bị kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động vệ sinh môi trường và được hướng dẫn kỹ thuật xây dựng NTHVS; 2.000 thợ xây địa phương và 488 cộng tác viên kỹ thuật tham gia xây NTHVS cho các hộ gia đình…

Giai đoạn 2012-2016, ĐTHN phối hợp với Hội LHPN Việt Nam, Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn tăng cường xã hội hóa trong việc cải thiện vệ sinh và nước sạch tại khu vực nông thôn, miền núi. Kết quả đã đạt được bao gồm: 36.274 hộ gia đình xây dựng NTHVS thông qua cán bộ Hội phụ nữ kết nối với các đơn vị cung ứng vật liệu uy tín; 6,615 hộ gia đình đấu nối nước sạch từ các trạm cấp nước của doanh nghiệp tư nhân; Hơn 1,200 cộng tác viên dự án là cán bộ Hội LHPN nâng cao năng lực truyền thông, vận động hộ gia đình về vệ sinh, nước sạch; Hơn 2 tỷ đồng được huy động từ các doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ tăng tỷ lệ người dân xay dựng NTHVS và đấu nối nước sạch.

Giai đoạn 2018 – 2022, ĐTHN phối hợp với Hội LHPN Việt Nam, Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế)  thực hiện dự án “Cải thiện vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ” (WOBA).Mục tiêu dự án làcải thiện sức khỏe cộng đồng và bình đẳng giới thông qua hỗ trợ dựa trên kết quả (OBA) cho các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương nhằm tăng tỷ lệ tiếp cận NTHVS và nước sạch, góp phần đạt mục tiêu số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo tính bền vững và bình đẳng xã hội. Dự án sẽ hỗ trợ 8.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ dễ bị tổn thương đấu nối vào hệ thống nước sạch; vận động 18.000 hộ nghèo, cận nghèo và hộ dễ bị tổn thương và 2.000 hộ không nghèo xây dựng NTHVS. Dự án cũng góp phần tăng cường năng lực cho các đối tác chính phủ để có thể triển khai và duy trì phương pháp OBA trong chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Việt Nam.

20190718 142433
Nhân viên ĐTHN trải nghiệm cùng với CLB người khuyết tật tại Tây Ninh

Ngoài những kết quả bằng con số nói trên, dự án còn tạo ra tác động về mặt con người và xã hội. Thông qua việc tham gia tổ chức, thực hiện các hoạt động dự án, Hội LHPN phụ nữ các cấp, Ban quản lý dự án và các đơn vị phối hợp được tăng cường năng lực, nâng cao uy tín trong lĩnh vực nước sạch – vệ sinh, thay đổi thói quen vệ sinh, duy trì nếp sống văn minh cho người dân. Các doanh nghiệp tư nhận được thu hút tham gia, nâng cao năng lực và được hỗ trợ cải tiến sản phẩm, dịch vụ nước sạch, vệ sunh đáp ứng nhu cầu của cộng đồng khu vực nông thôn và miền núi. Đồng thời, đánh giá cuối kỳ của dự án CHOBA giai đoạn 2012 – 2016 cho thấy, vị thế và tiếng nói của các nữ cán bộ không chỉ được coi trọng tại nơi làm việc và trong gia đình, thường là người chủ trì, chỉ đạo các hoạt động điều phối, phát triển cộng đồng. Đặc biệt, trong dự án, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế được quan tâm đến việc tiếp cận với nước sạch và nhà vệ sinh thông qua các hạng mục tiếp cận.

Có thể nói, phương pháp OBA là phương pháp sáng tạo giúp tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, góp phần cải thiện tình hình y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường cho người dân tại những vùng khó khăn một cách bền vững.

Để lại một bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không công khai.