Nhà vệ sinh tiếp cận cho người khuyết tật: chia sẻ của một cán bộ dự án tỉnh Hòa Bình
Anh Trần Minh Đức là chuyên viên Sở Y tế tỉnh Hòa Bình. Anh bắt đầu công tác trong ngành y tế dự phòng (CDC) từ 2012, phụ trách mảng nước sạch, vệ sinh, môi trường, bắt đầu là từ chương trình Mục tiêu quốc gia NTP3 giai đoạn 2011 – 2015 với vai trò thư ký cho chương trình. Trong các năm 2012 – 2013 tỉnh Hòa Bình mới được phân bổ kinh phí cho các hoạt động truyền thông và nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cấp cơ sở như y tế thôn bản, trạm y tế xã trong lĩnh vực nước sạch – vệ sinh. Trong thời gian đầu, hầu hết cán bộ y tế cơ sở chưa nắm được thông tin, kiến thức về các mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh. Ở cấp cộng đồng, người dân cũng chỉ biết đến 1, 2 mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh như nhà tiêu 2 ngăn, nhà tiêu tự hoại, và người dân thường coi nhà tiêu là công trình phụ nên chưa quan tâm. Ngoài ra, chi phí đầu tư rất lớn và họ muốn khi đầu tư thì gắn với các công trình kiên cố như nhà hoặc bếp.
Những kinh nghiệm công tác đó giúp anh có thêm kiến thức để tham gia dự án WOBA với vai trò là giảng viên, tập huấn cho HPN các cấp về cách thức xây dựng các mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh. Anh còn tham gia hỗ trợ kỹ thuật với vai trò là cán bộ đi thẩm định các công trình nhà vệ sinh của người dân. Anh đã tích cực giới thiệu các mô hình bằng các hình thức trực quan (sử dụng mô hình) tại các lớp tập huấn cho học viên và hướng dẫn lên dự toán chi tiết cho thợ xây, tư vấn về kỹ thuật và tài chính, lựa chọn nguyên vật liệu phù hợp với điều kiện kinh tế của hộ gia đình, qua đó mới thuyết phục được người dân xây nhà vệ sinh.
Quá trình tham gia dự án WOBA đã mang lại nhiều thay đổi đối với cá nhân anh Đức về mặt nghề nghiệp, trong đó lớn nhất là khả năng tiếp cận. Đối với việc đi thẩm định, đó là các kỹ năng giảng dạy, quan sát, đánh giá, phỏng vấn hộ gia đình, đặc biệt các thành phần là hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Người khuyết tật vốn rất tự ti khi giao tiếp với cộng đồng, khi được tiếp cận họ thường e dè, ngại chia sẻ với mình, do đó cách tiếp cận rất khác so với cách tiếp cận các đối tượng khác.
Sự thay đổi trong các tiếp cận đối tượng dự án đối với anh Đức rất quan trọng, vì khác với trước đây khi việc tiếp cận thông tin có nhiều hạn chế hơn, trong thời điểm hiện tại, việc tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng như tivi, báo đài, facebook, zalo, điện thoại… dễ dàng hơn. Hiện nay cán bộ dự án phải trao đổi trực tiếp, sử dụng mô hình trực quan để chứng minh cho người dân thấy hiệu quả, lợi ích từ việc làm nhà vệ sinh và điều kiện vệ sinh cá nhân (lợi ích sức khỏe, lợi ích kinh tế). Tất cả phải qua những minh chứng cụ thể chứ không đơn giản chỉ qua những tờ rơi, tờ gấp như trước đây. Phải trao đổi với hộ dân về việc làm nhà vệ sinh thì mua nguyên vật liệu ở đâu, như thế nào, làm sao để thợ xây tiếp cận hộ gia đình đang muốn xây nhà vệ sinh, cần chuyển tải thông tin nào tới hộ gia đình… Đó là cách thức tiếp cận cụ thể, trực tiếp, có minh chứng và phân tích cụ thể.
Đối tượng nhận tác động của những thay đổi trong cách tiếp cận của anh Đức chính là các hộ gia đình nông thôn, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách do ngành y tế dự phòng của tỉnh làm việc với tất cả các đối tượng, đồng thời dự án WOBA tập trung vào các hộ nghèo, hộ khó khăn, nhất là là người khuyết tật. Có nhiều dạng khuyết tật, nhưng chủ yếu tập trung vào khuyết tật vận động và thị lực nhằm giúp các hộ có những người khuyết tật đó biết làm các công trình vệ sinh phù hợp sao cho người khuyết tật có thể tiếp cận và sử dụng được. Nếu xây xong mà không sử dụng được thì công trình coi như không đảm bảo theo đúng nghĩa là xây ra để phục vụ cuộc sống hàng ngày của họ.
Sự thay đổi trong cách tiếp cận của anh Đức có sự giúp sức từ việc tham dự các lớp tập huấn của Đông Tây Hội ngộ, VIHEMA, các dự án của các tổ chức như DFAT, AusAid, đặc biệt là chương trình tập huấn hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Nước – Vệ sinh của Ngân hàng Thế giới. Tỉnh Hòa Bình may mắn nhận được hỗ trợ của Chương trình Nước – Vệ sinh của Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2013-2015 về việc xác định rào cản cũng như động lực của người dân để thúc đẩy người dân làm nhà vệ sinh, cách thức vận động chính quyền địa phương, các hội đoàn thể.
Sự thay đổi trong các làm việc, tiếp cận cộng đồng của anh Đức không chỉ dừng lại ở cá nhân anh mà còn được ghi nhận ở đồng nghiệp của anh ở CDC. Các bạn bên CDC từ khi tham gia dự án có những cải thiện đáng kể về kỹ năng, quan sát, đánh giá, tiếp cận cộng đồng, đặc biệt trong các chuyến công tác về cộng đồng. Trước đây khi các bạn mới ra trường phải đi thăm hộ dân ở những nơi không có phương tiện công cộng, phải sử dụng phương tiện cá nhân, các bạn rất e ngại. Hiện giờ các bạn sẵn sàng đi bất cứ lúc nào vì kỹ năng xây dựng kế hoạch, thăm hộ dân của các bạn đều được cải thiện rất nhiều.
Điều gây ấn tượng mạnh và có thể nói là bất ngờ nhất đối với anh Đức kể từ khi tham gia dự án WOBA đó là làm việc với đối tượng người khuyết tật. Anh đã tham gia một số dự án cộng đồng nhưng từ trước tới giờ chưa thấy chương trình nào nhân văn như WOBA. Đó là sự quan tâm sâu sắc và cụ thể dành cho người khuyết tật. Thực ra trong các quy chuẩn xây dựng công trình công cộng như trạm y tế và các công trình công cộng khác đều có đề cập việc xây dựng các hạng mục cho người khuyết tật nhưng không được các cấp, các ngành và các đơn vị thực sự quan tâm. Trong dự án này, anh thấy rất bất ngờ và xúc động khi thấy người khuyết tật được quan tâm từ những cái nhỏ nhất, những thứ họ đang thiếu và đang cần. Một số việc như ăn uống họ có thể cố gắng hay người khác có thể phục vụ được, riêng việc làm vệ sinh thì họ rất ngại vì đây là việc tế nhị. Dự án rất quan tâm đến khía cạnh này, do đó đối với người khuyết tật đây là việc rất mới mẻ tại Việt Nam. Trước đây anh chỉ có hiểu biết chung chung về người khuyết tật. Từ khi tham gia dự án anh mới hiểu được thế nào được coi là người khuyết tật, có những dạng khuyết tật nào, với mỗi loại khuyết tật cần có cách tiếp cận khác nhau. Đặc biệt khi tham gia lớp tập huấn dự án WOBA tại Bình Định, được lắng nghe chia sẻ trực tiếp từ tổ chức người khuyết tật, được đóng vai người khuyết tật, anh mới hiểu cảm giác và khó khăn của người khuyết tật khi tiếp cận các công trình vệ sinh. Đây là hướng tiếp cận mới, giúp xóa bỏ được sự e ngại trước đây khi tiếp xúc với người khuyết tật vì mình chưa hiểu họ, khi tiếp cận họ thường có phản ứng với mình, cho rằng mình tò mò, soi mói, có những thành kiến không hay về họ. Hiện giờ mình có cách tiếp cận, tập trung vào những thứ họ còn thiếu, cho họ thấy mình quan tâm đến họ, thấu hiểu họ nên họ sẽ cởi mở, chia sẻ với mình nhiều hơn.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ khi tiếp xúc, làm việc với hộ gia đình có người khuyết tật của anh Đức là về một hộ gia đình người khuyết tật ở xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc. Đây là hộ nghèo, kèm khuyết tật, có 2 mẹ con, ở cùng người anh trai. Em gái ở sau nhà anh trai, ở sau một chuồng bò, điều kiện vệ sinh rất kém, chưa có nhà tiêu. Thời điểm đó do chưa có kiến thức tiếp cận người khuyết tật nên khi anh Đức vận động hộ làm nhà tiêu để đảm bảo sức khỏe, người anh trai – vốn là người có tiếng nói quyết định trong gia đình – có phản ứng. Anh ta cho rằng bao lâu nay em gái và cháu anh ta vẫn sống như thế, không sao cả và không quan tâm đến điều kiện vệ sinh của nhà em gái. Giờ có kiến thức về người khuyết tật, nếu được làm lại anh Đức sẽ có hướng tiếp cận khác. Đó là phân tích cho người anh trai và người em gái (mẹ của người khuyết tật) thấy nếu đặt họ vào địa vị của người con bị khiếm thị (thử bịt mắt vào) thì họ sẽ cảm thấy như thế nào, mình có thể đi ra nhà vệ sinh được không, mình có những khó khăn như thế nào. Mình phải đặt mình vào điều kiện, hoàn cảnh của người ta mình mới hiểu, cảm nhận và có hướng giải quyết được. Đó là một kỷ niệm về lần tiếp cận thất bại của anh Đức, nhưng cũng là bài học khiến anh nhận ra được nhiều điều giá trị về năng lực tiếp cận, làm việc với hộ dân, nhất là các hộ có người khuyết tật.