Cải thiện Vệ sinh & Nước sạch Dựa trên Kết quả.
Một trang web chia sẻ thông tin, tri thức và học hỏi

Tiếp cận cho người khuyết tật: sự thay đổi quan trọng trong nhận thức của cán bộ dự án WOBA

Trong quá trình tham gia dự án WOBA, thay đổi lớn nhất đối với chị Phạm Thị Tuyết, cán bộ điều phối hợp phần vệ sinh của dự án WOBA, là kiến thức về tiếp cận và sự hòa nhập xã hội của NKT.

Trước đây, mặc dù đã có hiểu biết cơ bản về NKT và những vấn đề liên quan tới NKT như tiếp cận và hạng mục tiếp cận (tay vịn, lối đi…), chị Tuyết chưa thực sự chú ý tới những vấn đề này. Kể từ khi tham gia các lớp tập huấn về GESI, trong đó có NKT, và nhất là thực hiện sổ tay hướng dẫn cho các đối tác của dự án (VIHEMA và HPN), chị đã hiểu sâu hơn về tiếp cận cho NKT trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh. Chị hiểu rằng tiếp cận cần được nhìn nhận ở hai khía cạnh: truyền thông và kỹ thuật xây dựng. Nhận thức của chị về hòa nhập xã hội của NKT cũng có chuyển biến đáng kể. Nếu như trước đây đối với chị hòa nhập xã hội của NKT đồng nghĩa với trang bị các phương tiện tiếp cận để giúp họ cải thiện những khiếm khuyết của bản thân, chẳng hạn cung cấp nạng hoặc xe lăn cho những người khuyết tật vận động, không tự di chuyển được, thì hiện nay điều đó cần được thực hiện qua cải thiện môi trường sống và cách nhìn nhận của cộng đồng về NKT. Giúp đỡ NKT hòa nhập xã hội không phải bằng việc thương hại, cho tiền, làm từ thiện mà phải bằng cách cải thiện các công trình, các hạng mục công cộng để họ có thể tham gia vào các hoạt động.

Sự thay đổi trong nhận thức về tiếp cận và hòa nhập xã hội dành cho NKT ở chị Tuyết mang lại những lợi ích thiết thực, trước hết cho đồng nghiệp và đối tác cùng thực hiện công việc với chị. Thông tin, kiến thức chị thu nhận được lan tỏa, chia sẻ, tạo hiệu ứng thay đổi trong các đồng nghiệp và đối tác. Sự thay đổi này mang lại lợi ích trực tiếp cho những NKT, người già, những người dễ bị tổn thương ở cộng đồng, vì nhu cầu và nguyện vọng cụ thể của họ về công trình vệ sinh và nước sạch được quan tâm, chú ý hơn. Trước đây khi thăm hộ chị thường hỏi ai là người tạo thu nhập và ra quyết định chính trong gia đình. Sau khi được tập huấn về nhu cầu của các đối tượng GESI, đặc biệt là NKT, người già, những đối tượng dễ bị tổn thương và yếu thế khác, chị đã chuyển hướng quan tâm, tìm hiểu nhu cầu của họ trong sinh hoạt chung với gia đình, nhu cầu về NTHVS và các công trình nước sạch vì chị hiểu họ có thể có những nhu cầu khác so với người tạo thu nhập trong khi họ không thực sự có tiếng nói quyết định trong gia đình. Ngoài ra chị cũng chú ý giải thích và truyền đạt thông tin để chính những đối tượng GESI thay đổi cách suy nghĩ và nhận thức. Ví dụ: Khi thấy nhiều người già cho rằng họ đã nhiều tuổi, không cần NTHVS, hoặc do họ đã cao tuổi, xây NTHVS lại tốn kém nên họ không đủ khả năng và cũng không tiếp cận được, chị cố gắng giải thích, giúp họ hiểu rằng càng nhiều tuổi họ càng cần có NTHVS để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho chính họ, đồng thời gợi ý về những hạng mục tiếp cận có thể giúp họ sử dụng thoải mái nhất. Một dẫn chứng cụ thể khác là khi thăm một hộ có đối tượng nhận trợ cấp xã hội do bị khuyết tật thần kinh, mặc dù người nhà cho rằng không nên hỏi người đó vì người đó không biết gì, mọi việc trong nhà đều do người nhà quyết hết, chị Tuyết vẫn trao đổi, lắng nghe câu chuyện của NKT. Qua trao đổi giữa chị Tuyết và NKT, người nhà đã hiểu ra việc xây NTHVS là dành cho NKT, dựa trên nhu cầu của NKT trong gia đình (xây NVS sau nhà, kết hợp với nhà tắm để tiện sử dụng…)

Sự thay đổi trong nhận thức của chị Tuyết thể hiện qua khối lượng kiến thức thu thập được trong quá trình tập huấn với chuyên gia tư vấn, qua tham khảo tài liệu về NKT, qua tiếp cận với NKT và trao đổi với đồng nghiệp và đối tác thực hiện dự án (HPN hoặc CDC). Chị cho rằng để thuyết phục người khác, tác động tới họ nhằm tạo ra chuyển biến, trước hết mình cần có đầy đủ thông tin và kiến thức, và sự thay đổi ở một cá nhân sẽ có hiệu ứng lan tỏa – nếu một người có sự thay đổi nhận thức thì sẽ kéo theo những người khác cùng thay đổi.

Theo chị Tuyết, bài học kinh nghiệm đồng thời cũng là phát hiện nổi bật nhất trong quá trình thay đổi trong năm vừa qua là nhận thức về hòa nhập xã hội của NKT. Hòa nhập xã hội không phải chỉ là cung cấp thiết bị hỗ trợ để cải thiện khiếm khuyết của NKT, để họ thay đổi, mà còn là thay đổi môi trường xung quanh, chẳng hạn công trình cơ sở hạ tầng phải có đường dốc và các hạng mục tiếp cận. Muốn thay đổi cuộc sống của họ, giúp họ hòa nhập tốt hơn thì phải cải thiện và thay đổi môi trường. Ngoài ra, trước đây hỗ trợ NKT hòa nhập xã hội thường dừng ở việc cung cấp miếng ăn, công cụ như xe lăn hay nạng, hiện nay việc này phải được điều chỉnh bằng cách đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của NKT để hiểu họ cảm thấy như thế nào, họ cần gì, tức là thay đổi nhận thức của những người không khuyết tật, cụ thể là gia đình, những người hỗ trợ trong cộng đồng như cộng tác viên, ban quản lý xã… Để thay đổi những quan niệm đã săn sâu trong đầu óc cộng đồng, cần có thời gian và sự nhiệt huyết của những người liên quan, những tác nhân tạo ra sự thay đổi (change agent).

Đối với chị Tuyết, quá trình thay đổi nhận thức cũng là một cơ hội nhìn nhận lại và học hỏi thêm về bản thân. Chị nhận thấy ở bản thân những năng lực mà trước đây chị chưa chú ý tìm hiểu và khai thác. Trước khi tham gia các chương trình tập huấn về tiếp cận cho NKT và bắt tay xây dựng các tài liệu hướng dẫn về tiếp cận cho NKT, chị thấy rất khó hình dung về các công trình tiếp cận và cảm thấy e ngại khi đề cập đến các kiến thức kỹ thuật (các con số, tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình hạ tầng). Tuy nhiên khi bắt tay vào công việc thực tế, chị hiểu rằng khi mình đủ kiên trì, nhẫn nại, sẵn sàng học hỏi kiến thức mới và quyết tâm thực hiện thì không thử thách nào là quá lớn và không thể vượt qua.

Để lại một bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không công khai.